Chính thức Miễn Đăng Kiểm lần đầu với ô tô mới kể từ ngày 22/3 hôm nay

Chính thức miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới, từ 00h00 ngày 22/03/2023 hôm nay

Bộ Giao thông Vận tải chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư sửa đổi có hiệu lực từ 00h00 ngày 22/03/2023.

Miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng là một trong hai nội dung sửa đổi đáng chú ý trong thông tư mới lần này. Theo đó, điều kiện để ô tô mới được áp dụng miễn đăng kiểm lần đầu là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ, sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định lần đầu với xe cơ giới chưa qua sử dụng. Thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe cơ giới, tương đương với;

  • 36 tháng đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải
  • 24 tháng đối với xe ô tô chở người đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải; ô tô chở người trên 9 chỗ; ô tô tải, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ-moóc, sơmi rơ-moóc.

Sau khi đăng ký xe, chủ phương tiện không cần đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm nhưng vẫn cần mang giấy đăng ký xe, bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước, Bản cà số khung, số động cơ của xe đến các trung tâm này để lập hồ sơ phương tiện, nhận giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhận tem kiểm định xe và nộp phí sử dụng đường bộ. Và sau khi nhận tem kiểm định, chủ xe phải dán lên xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.

Kéo dài chu kỳ kiểm định với một số loại xe cơ giới

Thông tư mới ban hành cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới. Cụ thể:

  •  Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng.
    • Thời gian sản xuất đến 7 năm (đã sản xuất được 7 năm): Chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.
    • Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm): chu kỳ giữ nguyên 12 tháng.
    • Thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.
  • Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.
    • Thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định tăng từ 6 tháng lên 12 tháng.
    • Thời gian sản xuất trên 5 năm chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
  • Đối với nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.

Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, Thông tư 16/2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ đã bộc lộ bất cập như yêu cầu kiểm định đối với xe mới, chu kỳ kiểm định chưa phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt đối với xe cá nhân (không kinh doanh vận tải). Bộ đã rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và được chấp thuận cho phép sửa đổi Thông tư 16 theo trình tự rút gọn.

Việc sửa đổi hai văn bản trên được xem là giải pháp căn cơ giải quyết khủng hoảng đăng kiểm, khi hơn 70 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, gần 500 người bị khởi tố, điều tra về các tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật